Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh xảy ra ở trẻ em. Bệnh chiếm 0,8 đến 4,4% bệnh lý ở trẻ em. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thoát vị bẹn cho trẻ thì nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm là rất cao. Vì vậy khi trẻ ra đời bố mẹ cần  phải có những kiến thức về bệnh để phát hiện được những bất thường của trẻ.

1. Bệnh thoát vị bẹn là gì?

Thóat vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh do xuất hiện ông thông xuất phát từ ổ bụng xuống vùng bẹn khiến cho các cơ quan trong ổ bụng như ruột, dịch ổ bụng chạy xuống tạo ra khối phồng to ở bẹn và gây ra một số biến chứng. Bình thường,đối với bé trai trong thời kì bào thai vào những tuần thứ 30 – 35 tinh hoàn sẽ di chuyển từ ổ bụng xuống bìu thông qua 2 ống nhỏ gọi là ống phúc tinh mạc. Ống phúc tinh mạc được tạo ra từ những nếp phúc mạc, những cân cơ của bụng. Nhưng khi trẻ ra đời 2 ống nhỏ này sẽ đóng lại. Tuy nhiên ở một số trường hợp, ống phúc tinh mạc lại không đóng lại tạo ra điều kiện cho các tạng trong ổ bụng chui xuống. Đặc biệt thường gặp là ruột. Hậu quả của thoát vị bẹn là tạng chui xuống có thể bị chèn ép, xoắn nghẹt gây hoại tử tạng, nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Ngoài ra, với bé trai thì khi tạng chui xuống nó sẽ chèn ép bó mạch tinh hoàn ngăn cản sự cung cấp máu cho tinh hoàn. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dễ gây vô sinh hiếm muộn sau này.

Thoát vị bẹn là một bệnh thường gặp ở trẻ em nó chiếm 0,8 đến 4,4 bệnh lýcủa trẻ. Đặc biệt những trẻ sinh thiếu tháng thì xác suất mắc bệnh thường cao hơn bình thường.

Bệnh có thể xuất hiện ở 2 giới. Tuy nhiên, theo thống kê nghiên cứu về bệnh thì trẻ trai có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với trẻ gái. Tỉ lệ này có thể từ 3 đến 10 lần.

Thoát vị bẹn có thể xảy ra ở 1 bên hoặc cả 2 bên. Theo thống kê thì bên phải thường xảy ra thoát vị bẹn nhiều hơn bên trái.

2. Dấu hiệu nhân biết thoát vị bẹn.

Ở những trẻ nam bị thoát vị bẹn thường xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn bìu.

Ở những trẻ nữ khối thoát vị thường nằm gần âm môi của trẻ.

Khối phồng lớn lên khi trẻ rặn , đi đại tiện hoặc trẻ vận động mạnh như chạy nhảy thể dục hoặc khi trẻ quấy khóc. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi không vận động thì có thể các tạng chui xuống lại quay trở lại ổ bụng.

Những trường hợp nặng hơn trẻ thường quấy khóc, bứt rứt, kêu đau, bỏ bú, nôn do khối thoát vị to, căng cứng, khiến cho bé đau đớn, khối phồng không quay trở lại ổ bụng khi nghỉ ngơi hoặc nằm. Trường hợp này cần phải phát hiện sớm và xử lý kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

3.Điều trị bệnh thoát vị bẹn.

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh. Nếu không điều trị sớm sẽ để lại nhiều hậu quả nguy hiểm cho người bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị bệnh thường là phẫu thuật khâu lại ống phúc tinh mạc để tránh hiện tượng để lâu kéo dài gây hoại tử tạng nghẹt và tổn thương tinh hoàn do chèn ép mạch máu. Phẫu thuật được lựa chọn hiện nay thường là phẫu thuật nội soi. Phương pháp phẫu thuật này có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mổ mở trước kia. Thời gian phục hồi của người bệnh cũng nhanh hơn, ít biến chứng hơn.

Trên đây là một số thông tin về bệnh thóat vị bẹn. Bệnh tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh. Vì vậy cần phải có đủ kiến thức để sớm phát hiện ra bệnh và điều trị kịp thời.