Định lượng testosterone giúp đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Khi nồng độ testosterone trong cơ thể thay đổi bất thường, cao hơn hay giảm đi thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nam giới? Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này mà chưa có câu trả lời mình mong muốn thì hay theo dõi nội dung dưới đây. Chúng tôi sẽ cùng bạn giải đáp thắc mắc của câu hỏi trên.
Bình thường nồng độ testosterone của nam giới sẽ dao động từ 270 đến 1070 ng/dl. Nồng độ trung bình thường đạt 680ng/dl. Tuy nhiên nồng độ testosterone phụ thuộc vào tuổi tác. Khi 20 tuổi nồng độ hormone này đạt cực đỉnh và giảm dần theo tuổi. Nếu kết quả xét nghiệm nồng độ testosterone của nam giới nằm ngoài mức bình thường thì được xem là mất cân bằng nội tiết.
Testosterone thấp gây ra hậu quả gì?
Khi một người đàn ông có nồng độ testosterone thấp thì thường mắc những triệu chứng dưới đây:
Số lượng tinh dịch giảm: Testossterone là hormone sinh dục nam nó có chức năng kích thích quá trình sản xuất tinh dịch của nam giới. Khi nồng độ hormone này trong cơ thể giảm làm giảm quá trình sản xuất tinh dịch. Hậu quả là số lượng tinh dịch giảm trong quá trình xuất tinh. Ngoài ra testosterone còn quyết định quá trình hình thành và phát triển của tinh trùng, quyết định khả năng thành công của quá trình thụ tinh.
Rối loạn cương dương: testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc giúp dương vật duy trì khả năng cương cứng. Tuy nhiên, hormone này không trực tiếp tham gia vào quá trình cương cứng của dương vật mà nó kích thích các thụ thể trong não sản xuất ra oxit nitric. Oxit nitric có tác dụng làm giãn mạch tăng lưu thông mạch máu và đặc biệt tăng lưu lượng máu đến dương vật. Vì thế nếu thiếu testosterone thì nam giới sẽ rối loạn khả năng cương dương như cương dương không đúng lúc có thể là lúc ngủ, trước khi quan hệ hoặc trong quan hệ cương cứng 1 thời gian ngắn mà chưa kịp xuất tinh vào cơ quan sinh dục nữ và thậm chí không thể cương cứng. Nếu rối loạn cương dương do thiếu testosterone thì có thể điều trị testosterone thay thế để cải thiện tình trạng bệnh. Nhưng không phải trường hợp rối loạn cương dương nào cũng đáp ứng với hormone này. Vì bệnh có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác như do các thói quen xấu và bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, nghiện rượu, stress, căng thẳng, hút thuốc lá, các bệnh về tuyến giáp,…
Giảm ham muốn tình dục: Nam giới thiếu hormone testosterone sẽ có xu hướng né tránh chuyện giường chiếu bởi nhu cầu tình dục của họ giảm. Testosterone là hormone kích thích sự ham muốn của nam giới. Khi nồng độ hormone này thấp thì đồng nghĩa ham muốn của họ sẽ mất đi.
Ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ bắp: testosterone tham gia vào sự phát triển cơ bắp của nam giới. Khi nồng độ hormone này thấp dẫn đến khối lượng cơ bị suy giảm và mất dần. Tuy nhiên, thiếu testosterone chỉ làm khối cơ giảm về khối lượng nhưng không liên quan mật thiết đến cơ lực hay chức năng của hệ cơ trong cơ thể.
Gây mệt mỏi cho nam giới: Nồng độ testosterone thấp khiến nam giới mất đi năng lượng để vận động và làm việc. Nam giới luôn trong tình trạng mệt mỏi, kéo dài có thể dẫn đến suy kiệt, ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và cuộc sống gia đình.
Giảm khối lượng xương của nam giới: Testosterone giúp kích thích quá trình hình thành và phát triển xương trong cơ thể. Khi nồng độ hormone này thấp dẫn đến tình trạng loãng xương, khối lượng xương giảm đi, dễ bị gãy xương.
Ngoài ra, sự suy giảm testosterone còn gây ra những tình trạng khác như rụng tóc nhiều gây hói đầu ở nam giới, rối loạn phân bố mỡ, thay đổi tính tình ở nam giới,….
Testosterone cao gây ra hậu quả gì?
Nồng độ testosterone thấp trong cơ thể gây không ít những tác hại đến sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên nếu nồng độ cao thì cũng không phải có lợi cho sức khỏe mà nó còn gây ra một số hậu quả như:
Nam giới có xu hướng phạm tội cao như thực hiện các hành vi sai trái như hành hung, gây thương tích cho người khác, ăn trộm, hiếp dâm …
Nam giới sẽ dễ dàng nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện ma túy.
Những hành vi xấu gây ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và những người xung quanh.
Tóm lại, nếu nồng độ testosterone trong cơ thể bất thường thì nên thẳng thắn chia sẻ với bác sĩ để được xử lý thích hợp điều chỉnh nồng độ hormone cân bằng, cải thiện sức khỏe bản thân.